Cả nước Thụy Điển không ai không biết đến tập đoàn bao bì Tetra Pak của gia đình tỷ phú Ruben Rausing. Chỉ nhờ những chiếc hộp carton mang thương hiệu này mà ông cũng như hai người con sau này – Hans Rausing và Gad Rausing – đã có một cơ ngơi khổng lồ với hàng chục tỷ USD.
TRỞ THÀNH TỶ PHÚ NHỜ BAO BÌ TETRA PAKCả nước Thụy Điển không ai không biết đến tập đoàn bao bì Tetra Pak của gia đình tỷ phú Ruben Rausing. Chỉ nhờ những chiếc hộp carton mang thương hiệu này mà ông cũng như hai người con sau này – Hans Rausing và Gad Rausing – đã có một cơ ngơi khổng lồ với hàng chục tỷ USD.
Cả nước Thụy Điển không ai không biết đến tập đoàn bao bì Tetra Pak của gia đình tỷ phú Ruben Rausing. Chỉ nhờ những chiếc hộp carton mang thương hiệu này mà ông cũng như hai người con sau này – Hans Rausing và Gad Rausing – đã có một cơ ngơi khổng lồ với hàng chục tỷ USD.
Cách đây hơn 60 năm, Ruben Rausing đã có một phát minh kỳ diệu và được coi là một cuộc cách mạng đối với ngành giấy cũng như ngành thực phẩm. Lần đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện những hộp giấy carton Tetra Pak có thể đựng được sữa, nước uống và thực phẩm.
Các sản phẩm của tập đoàn bao bì Tetra Pak hiện có mặt tại hơn 170 nước trên thế giới. Gần 20.000 công nhân đang làm việc tại các xưởng sản xuất của Tetra Pak đem lại doanh thu hàng năm lên tới 8 tỷ euro từ bao bì carton.
Tetra Pak – phát minh kỳ diệu. Ruben Rausing tên thật là Rau Anders. Ông sinh năm 1895 tại làng Raus, nằm ở phía Nam Thụy Điển và sau này lấy họ của mình theo tên quê hương. Ruben Rausing lớn lên trong một gia đình thương nhân tương đối khá giả. Lớn lên ông học ngành kinh tế tại trường đại học Stckholm. Năm 1918, Ruben Rausing sang học tiếp tại Mỹ và có thêm một bằng thạc sỹ khoa học. Ruben Rausing là người rất thích du lịch. Ông sắm một chiếc xe ô tô Ford nhỏ và đã dùng nó để đi chu du khắp nước Mỹ, mỗi khi ông có thời gian và còn tiền tiêu.
Tại Mỹ, Ruben Rausing nhận thấy rằng ở đó người ta sử dụng hộp carton rất nhiều. Trong các trung tâm thương mại, siêu thị, đa số hàng hóa tiêu dùng, kể cả gạo mỳ, khoai tây và rau đều được đựng trong những hộp carton. Ngay cả nhiều đồ uống như sữa, nước ngọt, tuy được đóng chai thủy tinh hay chai nhôm nhưng cũng để trong hộp giấy cho dễ xếp và dễ vận chuyển. Điều này khác hẳn với thói quen và truyền thống ở châu Âu là dùng các thùng gỗ hay hộp gỗ, hộp sắt là chính. Dù lúc đó chưa kịp nghĩ kỹ là dùng bao bì carton có lợi gì nhưng Ruben Rausing đã rất nhạy bén nhận ra một xu thế mới: chắc chắn châu Âu cũng sẽ phổ biến hình thức bao bì này mà thôi.
Sự nhạy cảm tuyệt vời này của Ruben Rausing cùng với việc nghĩ ngay đến công nghiệp giấy đang rất phát triển ở Thụy Điển đã thôi thúc ông hành động. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu các nhà máy bao bì carton tại Mỹ, Ruben Rausing quyết định quay về Thụy Điển để lập nghiệp. Năm 1929, cùng với một người bạn, Rausing đã lập ra một nhà máy sản xuất bao bì carton đầu tiên. Các sản phẩm của ông vẫn chỉ là những hộp giấy thông thường để đựng các đồ khô.
Với các mặt hàng thực phẩm và nhất là sữa, pho mát lỏng và nước uống thì bao bì carton vẫn chịu bó tay. Ruben Rausing rất ấm ức và bỏ ra nhiều công sức để cải tiến bao bì của mình. Nhưng ông vẫn chưa nghĩ được gì hơn. Cho đến một ngày, một ý tưởng diệu kỳ đã bất ngờ xuất hiện tại phòng bếp của nhà ông bà Ruben Rausing. Khi đó bà Ruben Rausing đang tự làm xúc xích. Nhìn vợ nhồi thịt vào chiếc vỏ ruột lợn mỏng tang không thấm nước, trong đầu Ruben Rausing đã loé lên ý nghĩ làm bao bì carton có màng không thấm nước.
Đang là nhà kinh doanh, đột nhiên Ruben Rausing lại trở thành nhà nghiên cứu khoa học say mê. Ông miệt mài thử nghiệm. Đầu tiên Ruben Rausing thành công với việc sản xuất giấy cuộn có tráng nilon mỏng để chống thấm nước. Sau này ông còn cải tiến bằng cách thêm một lớp giấy nhôm vào giữa lớp nilon và lớp giấy carton. Nhờ đó ánh sáng và nhiệt độ khó tác động hơn, các sản phẩm sữa có thể bảo quản được tốt hơn, lâu hơn.
Để triển khai ý tưởng mới, Ruben Rausing còn phải mất công một số năm để nghiên cứu thành công loại máy cắt gập và dán hộp bao bì carton. Năm 1951, chiếc hộp Tetra Pak lần đầu tiên ra đời và có kích thước nhỏ để chuyên đựng sữa và váng sữa.
Bùng nổ bao bì Tetra Pak. Từ một số năm gần đây, bao bì Tetra Pak thường bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích vì làm tăng rác thải, gây tác động không tốt đến môi trường. Thế nhưng cách đây mấy chục năm, sự xuất hiện của Tetra Pak được coi là một phát minh vĩ đại với rất nhiều ý nghĩa.
Trước tiên về mặt kinh tế, bao bì Tetra Pak rẻ hơn rất nhiều so với các bao bì bằng thủy tinh, bằng gỗ hay kim loại. Dùng loại bao bì mới bằng carton người ta có thể xếp vào kho rất dễ và cũng xếp được nhiều hơn, tiết kiệm chỗ chứa hơn rất nhiều. Đối với các mặt hàng là đồ uống và thực phẩm, người ta đã tính chi li rằng tỷ lệ không gian của bao bì và hàng khi dùng Tetra Pak là 3*97. Trong khi dùng các loại bao bì khác có thể lên tới 40*60. Đặc biệt lợi thế là chi phí vận chuyển giảm, vì thế rất nhiều người dùng bao bì Tetra Pak. Một chiếc xe tải giờ đây có thể chở mỗi chuyến hơn 9.000 lít sữa, gấp hơn 2 lần so với việc chở sữa bằng chai thủy tinh hay bằng can nhôm.
Những người nghèo ở các vùng sâu vùng xa trước kia rất khó khăn mới có sữa uống đều thì nay nhờ Tetra Pak đã có sữa uống hàng ngày. Không chỉ rẻ hơn, với người tiêu dùng, Tetra Pak còn thuận tiện hơn nhiều vì không phải lưu giữ vỏ chai hay can nhôm để đi đổi hay trả lại. Ngành công nghiệp thực phẩm phải cám ơn phát minh vĩ đại của Ruben Rausing nhiều lần. Tetra Pak đã có công rất lớn trong việc kích cầu tiêu dùng. Ngành công nghiệp giấy cũng nhờ có Tetra Pak mà tiêu thụ được không biết bao nhiêu là giấy carton, nguyên liệu đầu vào của bao bì Tetra Pak.
Ngay sau khi được thử nghiệm thành công, Tetra Pak đã bùng nổ rất nhanh. Ruben Rausing không chỉ sản xuất bao bì không. Ông đã hoàn thiện được cả một hệ thống dây chuyền liên hoàn từ tráng nilon, cắt giấy, dựng hộp, rót hàng vào hộp và dán hộp lại. Vì vậy, Ruben Rausing nhận luôn các hợp đồng rót, đóng gói sữa tươi. Lúc đầu, các hộp sữa được đựng trong các hộp Tetra Pak hình tháp. Chỉ cần cắt đầu nhọn trên cùng là có thể rót, cắm ống hút hay cả uống trực tiếp tương đối dễ dàng.
Những hộp sữa, hộp nước hoa quả trong bao bì Tetra Pak được tất cả các trẻ nhỏ và các bậc phụ huynh đón nhận nồng nhiệt. Rất tiện lợi, nhẹ nhàng và giá thành lại thấp nên ai cũng chấp nhận.
Không ngừng cải tiến. Rất thành công với phát minh Tetra Pak kỳ diệu nhưng Ruben Rausing không dừng ở đó. Không chỉ là một doanh nhân, trong con người Ruben Rausing còn luôn có máu sáng tạo của một nhà nghiên cứu. Các sản phẩm bao bì Tetra Pak tuy có nguyên tắc chế tác rất đơn giản nhưng vẫn được cải tiến và hoàn thiện không ngừng, cả về hình thức lẫn chất lượng.
Tetra Pak luôn sáng tạo ra những bao bì thích hợp riêng cho từng loại thực phẩm, từng loại đồ uống với những đặc tính rất khác nhau. Tập đoàn Tetra Pak của nhà Ruben Rausing cứ thế mà phát triển không ngừng. Tài sản của họ cũng lớn theo rất nhanh. Có thể nói chẳng có loại thực phẩm, đồ uống hàng ngày nào lại không được đựng trong hộp Tetra Pak. Ngay cả đến rượu vang cũng được chấp nhận đựng trong loại hộp rẻ tiền này.
Luôn có tư duy hợp lý hóa, tối ưu hóa. Ruben Rausing là người rất tiết kiệm từ bé, cho dù ông không phải xuất thân từ một gia đình quá nghèo khó. Nhiều tiền, nhưng ông không chấp nhận những chi phí không hợp lý, không cần thiết. Ruben Rausing tự nhận đó chính là triết lý của ông trong nghiệp kinh doanh. Ông thấy không thể chấp nhận khi chi phí lưu kho hay chi phí vận chuyển lại chiếm tỷ lệ quá lớn trong giá thành sản phẩm. Ruben Rausing cũng nhận xét rất tinh rằng, chỉ vì bao bì quá nặng và quá cồng kềnh nên người ta không thể mua nhiều đồ một lúc dù muốn.
Những suy nghĩ và ý tưởng trên của Ruben Rausing dường như là rất nhỏ nhặt và quá cụ thể nhưng thực ra đó lại là tư duy của sự hợp lý hóa, tối ưu hóa của một nhà quản lý công nghiệp có tầm nhìn. Với cách nhìn nhận và quản lý như vậy nên hệ thống dây chuyền đóng gói của Tetra Pak luôn được thay đổi ngày càng tối ưu hơn, hiệu quả của doanh nghiệp do vậy càng cao hơn.
Khi đã trở thành tỉ phú, Ruben Rausing vẫn không thay đổi tính tiết kiệm đến chi li của mình. Cuối những năm 70, Ruben Rausing muốn chuyển tài sản khổng lồ của mình cho hai con trai nhưng lại tính toán rất kỹ để chỉ phải đóng thuế ít nhất. Mặc dù vẫn thường xuyên sống tại Thụy Điển nhưng ba cha con ông đã nhập quốc tịch Anh. Còn tài sản được chuyển một phần thông qua một quĩ tư nhân của Hà Lan.
Cha nào con nấy. Sau khi Ruben Rausing mất năm 1983 thì người con thứ hai của ông đã tiếp tục sự nghiệp kinh doanh còn tuyệt vời hơn nữa. Hans Rausing sinh năm 1926 và hiện vẫn đang là người giàu thứ hai của Vương quốc Anh, đứng thứ 35 trong số các tỉ phú giàu nhất thế giới. Cũng như cha ông, Hans Rausing cũng rất say mê và chú trọng phát triển, hoàn thiện công nghệ Tetra Pak hơn nữa. Dưới thời điều hành của Hans Rausing, Tetra Pak còn vươn ra rất nhiều nước để trở thành một tập đoàn đa quốc gia thực sự. Không chỉ cung cấp bao bì carton mà Hans Rausing còn đầu tư, xây dựng các nhà máy trực tiếp sản xuất ở các nước khác.
Các nhà kinh tế đã không nhầm khi đánh giá vai trò của Tetra Pak trong việc phát triển các siêu thị lớn là mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại. Rõ ràng ai cũng thấy ở đâu Tetra Pak có mặt là ở đó các siêu thị lớn phát triển và thay thế các cửa hàng nhỏ kinh điển. Từ những năm 80 trở đi, tập đoàn Tetra Pak không chỉ là nhà cung cấp bao bì đơn thuần. Hans Rausing đã đầu tư để tập đoàn còn là nhà cung cấp các dây chuyền đóng gói, đóng hộp, đóng chai, dán nhãn cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm của rất nhiều nước trên thế giới.
Sống ở Anh là chính nhưng Hans Rausing vẫn trực tiếp quản lý điều hành Tetra Pak với trụ sở chính tại thành phố Lund, Thụy Điển rất trôi chảy và thành công. Hans Rausing hiện nay vẫn là một cây đại thụ của ngành công nghiệp bao bì và đóng gói.
Hans Rausing là người rất thận trọng với báo giới. Người ta nói số lần trả lời phỏng vấn báo chí của cả cuộc đời Hans Rausing không bằng của Bill Gate trong một ngày. Các số liệu kinh doanh cũng như quan hệ giữa các công ty con với tập đoàn mẹ của Tetra Pak như thế nào, Hans Rausing luôn luôn giấu kín.
Còn một điểm nữa Hans Rausing cũng rất giống cha ông. Đó là tính tiết kiệm đến quá quắt của ông. Giàu có là thế nhưng khi đến rạp hát ông vẫn chìa thẻ hưu trí để được giảm giá vé. Có lần ông gửi thư đến công ty môi trường phản đối việc thu tiền rác mỗi tháng vài bảng Anh, với lý do trong khoảng thời gian đó ít sống tại nhà. Hans Rausing còn giống cha ở tinh thần làm việc và sáng tạo không mệt mỏi.
Sang tuổi 75 nhưng Hans Rausing vẫn tiếp tục tham gia một dự án nghiên cứu bao bì và đầu tư rất nhiều tiền để lập một tập đoàn bao bì thứ hai lớn không kém gì Tetra Pak với tên gọi là bao bì EcoLean.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)